Đức Thiện chinh phục học bổng toàn phần của Đại học Macalester cùng tư duy liên ngành và tinh thần toàn cầu

Đến từ mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn, Đức Thiện mang theo khát vọng phát triển bản thân để cùng phát triển đất nước Việt Nam trong Kỷ nguyên Đất nước Vươn mình. Nhờ cơ hội học tập tại UWC Changshu China – ngôi trường cấp 3 quốc tế từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình hai lần – em được trải nghiệm những tri thức mới và đắm mình trong đa dạng văn hóa toàn cầu. Với hành trình học thuật giàu tính liên ngành, em không chỉ khám phá mối liên hệ giữa các lĩnh vực mà còn tìm ra cách kết nối tri thức với hành động để tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Chính hành trình ấy đã giúp Đức Thiện xuất sắc chinh phục suất Học bổng Toàn phần danh giá từ Đại Học Macalester (#26 LAC), một ngôi trường dẫn đầu về các ngành quốc tế học, kinh tế và khoa học xã hội, đồng thời là nơi từng đào tạo Kofi Annan – cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2001. Hãy cùng MiYork khám phá thêm những điều đặc biệt trong câu chuyện đầy cảm hứng của Đức Thiện nhé.
HIỂU KHÁC BIỆT, HỌC KẾT NỐI CÙNG HÉ MỞ TƯ DUY LIÊN NGÀNH
Với ước mơ trở thành một nhà ngoại giao, góp phần đưa Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, Đức Thiện đã nỗ lực để giành được tấm vé vào UWC Changshu – một trong những trường cấp 3 danh giá nhất toàn cầu. Em tin rằng, chỉ khi đặt mình giữa cộng đồng quốc tế, được đối thoại và học hỏi từ những người trẻ đến từ hơn 80 quốc gia, em mới có thể mở rộng thế giới quan và thấu hiểu thật sự về những nền văn hóa khác biệt. Chính trong môi trường ấy, những bài học đầu tiên về ngoại giao đã đến với em không qua sách vở, mà qua đời sống thường nhật. Em từng học cùng lớp và sinh hoạt gần gũi với một người bạn theo đạo Hồi, luôn đội hijab và tuân theo những quy tắc sinh hoạt riêng, ví dụ như cầu nguyện đúng giờ năm lần một ngày. Ban đầu, em bối rối vì chưa từng tiếp xúc với nền văn hóa ấy. Nhưng qua những lần trò chuyện, em dần hiểu rằng đằng sau mỗi hành vi hay lựa chọn là cả một hệ giá trị và niềm tin cá nhân. Với bạn em, hijab không chỉ là một trang phục tôn giáo, mà là đại diện của bản sắc, điều mà bạn tự hào giữ gìn. Từ sự khác biệt ấy, em học được một điều quan trọng rằng, để trở thành một người kết nối, em trước hết phải biết lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người khác và tiếp cận mọi điều với một tâm thế cởi mở và tôn trọng.
Từ tư duy này, em bắt đầu định hình con đường học thuật để hiện thực hóa ước mơ trở thành một người kết nối: giữa quốc gia với quốc gia, giữa chính sách với con người. Tuy nhiên, việc xác định “mình nên học gì?” trong môi trường giáo dục đầy khai phóng như UWC lại không hề dễ dàng. Em từng đổi môn tới ba lần, từng chênh vênh khi nhận ra mình chưa thực sự tìm thấy điểm giao nhau giữa đam mê và thế mạnh. Nhưng trong quá trình đó, nhờ sự hướng dẫn của anh Khoa và chị Tuyết trong việc lựa chọn môn IB với những câu hỏi phản tư sâu sắc: “Tại sao em học môn này?, em dần hiểu rằng: không có gì là lạc hướng cả, bởi mọi môn học, dù là Hoá học hay Kinh tế học, đều đang góp phần tạo nên cái nhìn toàn diện về thế giới. Tư duy liên ngành bắt đầu hình thành trong em như thế. Em không còn nhìn các môn học là những “ngăn kéo riêng lẻ”, mà đặt câu hỏi: Làm sao để kết nối khoa học tự nhiên với chính sách công? Làm sao để kiến thức về môi trường đi vào thực tiễn hoạch định năng lượng bền vững? Làm sao để tư duy phân tích từ kinh tế học có thể hỗ trợ Việt Nam thiết kế các chính sách thân thiện với môi trường và công bằng với người dân?
Với em, tư duy liên ngành không phải là khái niệm sách vở, mà là một phương pháp để nhìn thấy thế giới rõ hơn và góp phần thay đổi nó trở nên tốt đẹp hơn.

HÀNH TRÌNH DẤN THÂN CÙNG TƯ DUY LIÊN NGÀNH
Tư duy liên ngành không chỉ mở rộng thế giới quan cho em, mà còn trở thành công cụ để biến khát vọng phục vụ cộng đồng thành những hành động thiết thực.
Tại UWC Changshu, em có cơ hội trở thành một trong 15 bạn học sinh duy nhất trên toàn thế giới theo học chương trình Nobel Innovation Program danh giá về Toán & Kinh tế học, được trực tiếp giảng dạy bởi Giáo sư Eric Maskin - nhà kinh tế học đến từ Harvard nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2007. Trước đây, Đức Thiện từng nghĩ Kinh tế học chỉ đơn thuần là những con số khô khan và mô hình lý thuyết. Nhưng khi được tiếp cận với công trình nghiên cứu Mechanism Design Theory (Lý thuyết Thiết kế Cơ chế) của Giáo sư Maskin, em nhận ra: Kinh tế không chỉ mô tả thế giới, mà còn có thể thiết kế lại cách thế giới vận hành để trở nên hiệu quả hơn, công bằng hơn. Từ một mô hình cơ chế giúp Mỹ thu về hơn 7 tỷ đô, em bắt đầu tự hỏi liệu Tây Nguyên mình có thể áp dụng những học lý thuyết tương tự để tạo ra một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hoặc thiết lập các cơ chế thông minh để các doanh nghiệp nâng cao giảm phát thải một cách tối ưu, và nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách khác của xã hội nữa? Chính vì thế, Đức Thiện vẫn đang tiếp tục phát triển dự án nghiên cứu khoa học riêng về Toán ứng dụng và Kinh tế dưới sự cố vấn của Giáo sư Eric Maskin, với hy vọng có thể tạo ra những thay đổi tích cực, mang tính hệ thống cho Việt Nam trong tương lai. Tư duy liên ngành tiếp tục bước chân của Đức Thiện đến mảnh đất quê hương Tây Nguyên rộng lớn, nơi em giữ vai trò Trưởng Ban Tổ chức của chương trình Trại hè Sáng kiến Trẻ tại Đắk Lắk. Với mong muốn giúp các bạn Trại sinh có cách nhìn phù hợp về những nhóm dân tộc bản địa, em không thể chỉ dùng một lối tiếp cận. Đức Thiện đã áp dụng tư duy đa ngành bằng cách đan xen giữa giáo dục phản tư (reflective education), truyền thông (media literacy + bias awareness), nhân học thực địa (field-based ethnography) và phát triển du lịch cộng đồng bền vững (sustainable tourism), khai phá bản sắc và bản thể học (identity exploration and ontological learning) để xây dựng nội dung chương trình gắn liền với địa phương cũng như mang đến giá trị nhiều nhất cho các bạn Trại sinh.
Em bắt đầu bằng cách cho các bạn viết ra những gì họ nghĩ về người người dân tộc bản địa dựa trên những gì từng thấy trên mạng xã hội hoặc truyền thông và cũng dễ hiểu rằng khi đa phần các bạn có những nhận định rất phiến diện, thậm chí mang màu sắc định kiến. Để phá vỡ điều đó, Đức Thiện cùng BTC Trại hè đã dẫn các bạn đến bảo tàng dân tộc học tỉnh Đắk Lắk, rồi sắp xếp cho các bạn phỏng vấn người dân tộc bản địa đang làm du lịch sinh thái. Ngoài ra, các bạn còn được ở trong khu cộng đồng, sinh hoạt, ăn ngủ và trò chuyện trực tiếp cùng người dân bản địa. Em tin rằng chính những trải nghiệm trực tiếp đó đã giúp các trại sinh thấy được khoảng cách giữa hình ảnh trên mạng và cuộc sống con người thật sự ngoài đời thông qua sự kết hợp của nhiều ngành khác nhau (liên ngành) như văn hóa, truyền thông, du lịch thay vì chỉ đứng lớp và chia sẻ những thông tin suôn về người dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ được tham gia, BTC đã mang đến các gói học bổng lên đến toàn phần chi phí dành cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đức Thiện nghĩ rằng, trao cơ hội cho một người là đang gieo hạt cho nhiều người khác, với tinh thần pay-it-forward - những điều tốt đẹp sẽ tiếp tục được trao đi, lan tỏa từ người này đến người khác.
Một lần nữa, tư duy liên ngành và giáo dục khai phóng đã trang bị cho em công cụ để vượt qua giới hạn cá nhân, nhìn vấn đề với góc nhìn hệ thống và hành động với trách nhiệm xã hội sâu sắc hơn. Đó là hành trình chuyển mình - từ một học sinh quốc tế thành một công dân toàn cầu, mang theo khát vọng hành động để tạo ra thay đổi tích cực.

TỪ CÁCH THỂ HIỆN TINH THẦN TOÀN CẦU THEO CÁCH RIÊNG ĐẾN HỌC BỔNG TOÀN PHẦN
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nộp vào Đại học Macalester, Đức Thiện xác định rõ ràng: nếu chỉ có bảng điểm hay bài luận, thì không đủ để truyền tải trọn vẹn giá trị cốt lõi mà em muốn chia sẻ - internationalism. Với Đức Thiện, tinh thần toàn cầu không chỉ là “học ở nước ngoài”, mà là khả năng thấu cảm, kết nối và giao tiếp vượt qua ranh giới của ngôn ngữ, văn hóa và điều kiện xuất thân.
Để thể hiện điều đó, Đức Thiện quyết định gửi kèm một video giới thiệu bản thân không nằm trong yêu cầu chính thức của Ban Tuyển sinh để truyền tải những chất riêng trong câu chuyện của chính mình. Trong video, em phát âm tiếng Anh bằng âm sắc đặc trưng của người Tây Nguyên - không né tránh, không chỉnh sửa như một cách trân trọng cội nguồn và bản sắc cá nhân. Em đồng thời sử dụng ngôn ngữ ký hiệu quốc tế và tự tay phiên dịch toàn bộ nội dung, bởi em hiểu rằng: ngôn ngữ, dù là lời nói hay ký hiệu, đều phản ánh văn hóa và thế giới quan của một cộng đồng. Ở Trung Quốc, “xin chào” được thể hiện bằng động tác giơ ngón tay trỏ đơn giản, trong khi ở Mỹ, đó là cử chỉ chào trang trọng với tay đặt lên trán. Sự khác biệt ấy không chỉ mang tính hình thức mà là bằng chứng sống động cho sự đa dạng và phức tạp của thế giới mà em đang trải nghiệm và mong muốn thấu hiểu, đóng góp.
Chính cách thể hiện giữa kỹ năng, lý tưởng và bản sắc đã giúp Đức Thiện chạm đến trái tim của Hội đồng Tuyển sinh và nhận được suất Học bổng Toàn phần danh giá cao nhất từ Đại Học Macalester, bao gồm toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt, phí ăn ở, vé máy bay, MacBook, cùng với khoản trợ cấp dành cho sinh hoạt và nghiên cứu khoa học trị giá hàng ngàn đô mỗi năm.
MiYork tin rằng với tinh thần sống thật, nghĩ sâu và dấn thân đến cùng như thế, hành trình của Đức Thiện sẽ còn đi xa và lan tỏa “internationalism” theo cách riêng của em.